Thế chiến thứ hai Hermann_Göring

Göring và những quan chức cấp cao khác đã lo ngại rằng nước Đức chưa có được sự chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh, nhưng Hitler lại nhấn mạnh cần phải đẩy nhanh nó càng sớm càng tốt.[67] Cuộc xâm lược Ba Lan, sự kiện mở màn cho thế chiến thứ hai, bắt đầu vào rạng sáng ngày 1 tháng 9 năm 1939.[68] Trong cùng ngày hôm đó, phát biểu trước Nghị viện (Reichstag), Hitler đã chỉ định Göring là người kế nhiệm vị trí Lãnh tụ (Führer) của nước Đức, "Nếu có bất kỳ điều gì xảy đến với tôi."[69]

Thắng lợi trên mọi mặt trận

Ban đầu, Đức Quốc xã liên tiếp giành được những chiến thắng quyết định một cách nhanh chóng. Với sự hỗ trợ của Luftwaffe (không quân Đức), không quân Ba Lan đã bị đánh bại chỉ trong vòng một tuần.[70]. Lực lượng Fallschirmjäger (lính dù) đã chiếm được những sân bay quan trọng ở Na Uy và pháo đài Fort Eben-Emael tại Bỉ. Luftwaffe của Göring đóng vai trò quan trọng trong các trận Hà Lan, BỉPháp trong mùa xuân năm 1940.[71]

Sau thắng lợi ở Pháp, Hitler đã trao cho Göring huân chương Đại Thập tự (Großkreuz) vì sự lãnh đạo thành công của ông.[72] Trong Nghi lễ phong Thống chế 1940, Hitler đã thăng Göring lên đến cấp bậc Reichsmarschall des Grossdeutschen Reiches (Anh ngữ: Reich Marshal of the Greater German Reich, tạm dịch: Thống chế [Đế chế] của Đế chế Đại đức), một cấp hàm đặc biệt giúp ông trở thành sĩ quan cao cấp nhất, cao hơn mọi thống chế trong quân đội khác. Göring nắm giữ vị thế hàng đầu này cho đến khi thế chiến thứ hai kết thúc. Trước đó, ông cũng đã được nhận huân chương Thập tự Hiệp sĩ (Ritterkreuz) vào ngày 30 tháng 9 năm 1939 với tư cách Tổng tư lệnh của Luftwaffe.[72]

Ngay lập tức sau khi Đức xâm chiếm Ba Lan, Anh đã tuyên chiến với Đức. Vào tháng 7 năm 1940, Hitler bắt đầu tiến hành những sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nước Anh. Vô hiệu hóa Không quân Hoàng gia Anh (RAF) là một phần trong kế hoạch. Những đợt ném bom mở đầu nhằm vào các công trình hàng không Anh, các thành phố và trung tâm công nghiệp.[73] Trước đó, Göring từng có lần tuyên bố trong một bài phát biểu trên sóng phát thanh: "Wenn auch nur ein feindliches Flugzeug unser Reichsgebiet überfliegt, will ich Meier heißen!" ("Nếu có chỉ một chiếc máy bay địch bay trên lãnh thổ Đức, tôi tên là Meier!"),[74] một thứ gì đó (câu nói trên) sẽ quay trở lại ám ảnh ông khi RAF bắt đầu ném bom các thành phố Đức từ ngày 11 tháng 5 năm 1940.[75] Mặc dù tin tưởng rằng Luftwaffe có thể đánh bại RAF trong vòng vài ngày, nhưng Göring, giống như Đô đốc Erich Raeder, tổng tư lệnh của Kriegsmarine (hải quân),[76] tỏ ra bi quan về cơ hội thành công của kế hoạch xâm lược (mật danh Chiến dịch Sư tử Biển).[77] Göring kỳ vọng một chiến thắng trên bầu trời sẽ là đủ để kết thúc cuộc chiến mà không cần đến một cuộc xâm lăng trực tiếp. Tuy nhiên Đức đã thất bại trong trận chiến trên không, và Chiến dịch Sư tử Biển bị hoãn lại vô thời hạn vào ngày 17 tháng 9 năm 1940.[78] Sau thất bại trên bầu trời Anh Quốc, Luftwaffe đã cố gắng đánh bại Anh bằng ném bom chiến lược. Vào ngày 12 tháng 10 năm 1940, Hitler hủy bỏ Chiến dịch Sư tử Biển do mùa đông bắt đầu.[79] Đến thời điểm cuối năm 1940, một điều chắc chắn là chí khí của người Anh đã không bị lay động bởi cuộc oanh kích của Đức (Blitz), dù cho những đợt ném bom vẫn còn tiếp diễn cho đến tháng 5 năm 1941.[80]

Suy tàn trên mọi mặt trận

Bất chấp Hiệp ước Xô-Đức được ký kết vào năm 1939, Đức Quốc xã đã khởi động Chiến dịch Barbarossa—cuộc xâm lược Liên bang Xô Viết—vào ngày 22 tháng 6 năm 1941. Ban đầu Luftwaffe giành được ưu thế với việc phá hủy hàng ngàn máy bay Liên Xô trong tháng đầu tiên của cuộc chiến.[81] Hitler và những tham mưu hàng đầu của ông ta đã đảm bảo chắc chắn về một thắng lợi vào Giáng Sinh và không có những dự phòng về quân lính hay trang thiết bị nào được thực hiện.[82] Tuy nhiên, đến tháng 7, nước Đức chỉ còn 1.000 máy bay trong chiến dịch, và số binh lính thiệt mạng đã vượt quá 213.000 người. Phương án được lựa chọn giờ đây là tập trung tấn công vào một phần duy nhất của mặt trận rộng lớn, những nỗ lực trực tiếp hướng tới việc chiếm lấy Moscow.[83] Sau trận Smolensk, một trận chiến kéo dài nhưng thành công, Hitler đã lệnh cho Cụm tập đoàn quân Trung tâm dừng cuộc tiến quân đến Moscow và tạm thời chuyển hướng các đơn vị tăng Panzer Bắc và Nam để hỗ trợ cho cuộc bao vây LeningradKiev.[84] Sự trì hoãn này đã cho Hồng quân Liên Xô cơ hội để huy động lực lượng dự bị mới; nhà sử học Russel Stolfi nhận định đó là một trong những nhân tố lớn làm nên thất bại của cuộc tấn công Moscow được tái tiến hành vào tháng 10 năm 1941.[84] Một số nhân tố khác khiến Đức bại trận là điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu nhiên liệu, sự chậm trễ trong việc xây dựng các căn cứ không quân ở Đông Âu, và vấn đề nguồn cung tiếp tế. Hitler đã không cho phép rút lui dù chỉ một phần cho đến giữa tháng 1 năm 1942; đến khi đó thì thiệt hại đã có thể đem ra so sánh với những điều tương tự từng xảy ra trong Cuộc xâm lược Nga của Pháp năm 1812.[85]

Hitler quyết định rằng chiến dịch mùa hè năm 1942 sẽ phải tập trung ở phía Nam; những nỗ lực sẽ được thực hiện để chiếm lấy các mỏ dầu ở Kavkaz.[86] Bước ngoặt của cuộc chiến, Trận Stalingrad,[87] bắt đầu vào ngày 23 tháng 8 năm 1942 bằng một chiến dịch ném bom của Luftwaffe.[88] Tập đoàn quân số 6 đã tiến vào thành phố Stalingrad nhưng bởi vị trí của nó nằm ở tiền tuyến, còn nguyên khả năng cho Hồng quân bao vây và bẫy quân Đức bên trong mà không được hỗ trợ với nguồn cung hay quân tiếp viện. Và khi Tập đoàn quân số 6 bị bao vây vào cuối tháng 11 trong Chiến dịch Sao Thiên Vương của Hồng quân, Göring đã cam kết Luftwaffe có thể cung cấp tối thiểu 300 tấn hàng tiếp tế mỗi ngày cho đội quân đang bị cô lập. Dựa vào những sự bảo đảm này, Hitler ra lệnh không được rút lui, bọn họ phải chiến đấu đến người cuối cùng. Mặc dù một số chuyến không vận có thể đã được thực hiện thành công, lượng hàng tiếp tế được giao không bao giờ vượt quá 120 tấn/ngày.[89][90] Cuối cùng, những tàn dư còn lại của Tập đoàn quân số 6— khoảng 91.000 binh sĩ của một đội quân tổng cộng 285.000 người—đã đầu hàng vào đầu tháng 2 năm 1943 và chỉ có khoảng 5.000 người trong số đó sống sót trong các trại tù binh chiến tranh Liên Xô để một lần nữa thấy được tổ quốc của họ.[91]

Göring cùng với Hitler và Albert Speer, ảnh chụp ngày 10 tháng 8 năm 1943

Chiến tranh trên đất Đức

Trong khi đó, sức mạnh của những phi đội ném bom của Anh và Mỹ đang ngày một tăng lên. Nước Đức bắt đầu thực hiện những chiến dịch phòng vệ các mục tiêu có nguy cơ bị quân Đồng Minh tấn công (Chiến dịch Reichsverteidigung, hay Phòng thủ Đế chế). Cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào Cologne diễn ra vào ngày 30 tháng 5 năm 1942 với 1.000 máy bay ném bom.[92] Tiếp theo các đợt tấn công từ nước Anh tiếp tục được tiến hành nhằm vào các mục tiêu xa hơn sau khi những thùng nhiên liệu bổ trợ được lắp đặt trên những chiếc máy bay tiêm kích của Mỹ. Göring đã không tin vào những báo cáo xác nhận việc bắn rơi các máy bay tiêm kích Mỹ ở xa về phía Đông đến tận Aachen trong mùa đông năm 1943. Danh tiếng của ông bắt đầu suy giảm.[93]

Vào đầu năm 1944, một số lượng lớn máy bay P-51 Mustang của Mỹ với tầm bay 1.800 dặm (2.900 km) bắt đầu xuất hiện đi kèm theo những máy bay ném bom khác đến và rời khỏi các mục tiêu. Từ thời điểm đó trở đi, Luftwaffe bắt đầu hứng chịu những thương vong mà không thể thay thế một cách thích đáng. Đến cuối năm 1944, quân Đồng Minh với việc ném bom các nhà máy lọc dầu và các tuyến đường sắt đã làm tê liệt bộ máy chiến tranh của Đức Quốc xã.[94] Người dân Đức đổ lỗi cho Göring về những thất bại của ông trong việc bảo vệ đất nước.[95] Hitler bắt đầu khai trừ Göring ra khỏi các hội nghị, nhưng vẫn tiếp tục để ông giữ vị trí đứng đầu Luftwaffe và toàn quyền Kế hoạch bốn năm.[96] Khi đã đánh mất sự tín nhiệm của Hitler, Göring bắt đầu dành nhiều thời gian hơn tại những nơi ở riêng của mình.[97] Vào ngày D-Day (6 tháng 6 năm 1944), trong khi Đồng Minh có tổng cộng 11.000 máy bay các loại, Luftwaffe chỉ có khoảng 300 máy bay tiêm kích và một số lượng nhỏ máy bay ném bom tại khu vực đổ bộ.[98]

Hồi kết của cuộc chiến

Khi Hồng quân Liên Xô đang ngày một tiến gần đến Berlin, những nỗ lực của Hitler nhằm tạo dựng sự phòng thủ cho thành phố trở nên phù phiếm và vô nghĩa hơn bao giờ hết.[99] Lễ kỷ niệm sinh nhật lần cuối cùng của Hitler cử hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1945 tại Führerbunker ở Berlin là một dịp để các nhân vật hàng đầu của Đức Quốc xã tụ họp và tiễn biệt, Göring có tham dự. Đến thời điểm đó, Carinhall (nơi cư trú của Göring) đã được di tản, tòa nhà bị phá hủy,[100] và các kho tàng nghệ thuật được di dời đến Berchtesgaden và những nơi khác.[101] Vào ngày 22 tháng 4, Göring đi tới khuôn viên của mình ở Obersalzberg. Cũng trong ngày hôm đó, Hitler có một bài chỉ trích kéo dài nhằm vào các tướng lĩnh, đó là lần đầu tiên ông thừa nhận công khai rằng nước Đức đã thua trong cuộc chiến và rằng ông sẽ ở lại Berlin cho đến cùng rồi sau đó tự sát.[102] Ông cũng tuyên bố Göring ở vị thế tốt hơn để đàm phán một giải pháp hòa bình. Trước đó vào năm 1941, một tuần sau thời điểm cuộc xâm lược Liên Xô bắt đầu, Hitler cũng đã ban hành một nghị định trong đó chỉ định Göring là người kế nhiệm trong trường hợp ông qua đời.[103]

Trưởng Tham mưu Chiến dịch của Bộ Tư lệnh Tối cao các Lực lượng Vũ trang Alfred Jodl có mặt để nghe những lời rỗng tuếch của Hitler và ông đã thông báo cho tham mưu trưởng của Göring, tướng Karl Koller tại một cuộc gặp sau đó vài tiếng. Cảm nhận thấy những ngụ ý ẩn sau, Koller ngay lập tức bay tới Berchtesgaden để báo cho Göring, người lo sợ bị gán cho tội phản quốc nếu cố gắng giành lấy quyền lực. Mặt khác, nếu không có hành động gì, ông lại sợ bị cáo buộc lơ là nhiệm vụ. Sau một hồi do dự, Göring đã rà xét lại bản sao của nghị định năm 1941 trong đó chỉ định ông làm người kế nhiệm Hitler. Bản nghị định không chỉ nêu rằng Göring là ứng cử viên số một cho ngôi vị kế thừa, mà còn tuyên bố nếu Hitler mất năng lực tự do hành động, Göring có toàn quyền tự do thay mặt Hitler với tư cách phụ tá. Sau khi bàn bạc với Koller và Hans Lammers, người đứng đầu Phủ Thủ tướng Đế chế, Göring đi đến kết luận: với việc ở lại Berlin để đối mặt với cái chết chắc chắn, Hitler đã mất năng lực cai quản. Bởi vậy, tất cả đều đồng thuận rằng Göring có một nhiệm vụ rõ ràng là giành lấy quyền lực của Hitler.[104] Một động cơ khác thúc đẩy Göring là nỗi lo về việc đối thủ của mình, Martin Bormann, sẽ chiếm quyền vào thời điểm Hitler chết và sẽ xử tử ông như một kẻ phản bội. Với những suy nghĩ đó trong đầu, Göring đã soạn một bức điện với lời lẽ thận trọng yêu cầu Hitler cho phép ông được tiếp quản ngôi vị lãnh đạo đất nước, trong đó nhấn mạnh ông sẽ hành động với tư cách trợ lý của Hitler. Göring thêm vào một ý: nếu Hitler không phản hồi lúc 22:00 giờ đêm hôm đó (23 tháng 4 năm 1945), ông sẽ coi như Hitler đã thực sự mất đi quyền tự do hành động và sẽ gánh vác trách nhiệm lãnh đạo Đế chế.[105]

Thẻ giam của Göring

Bormann đã chặn lại bức điện và thuyết phục cho Hitler tin rằng Göring là một kẻ phản bội và bức điện là yêu sách đòi vị lãnh tụ hoặc phải từ chức hoặc là sẽ bị lật đổ. Với sự trợ giúp của Bormann, Hitler hồi đáp lại Göring trong đó thông báo rằng ông sẽ bị tử hình vì tội phản quốc nghiêm trọng nếu không lập tức từ bỏ mọi chức vụ. Ngay sau đó, Hitler tước bỏ tất cả mọi chức vụ của Göring và ra lệnh quản thúc tại gia đối với ông, những thuộc hạ và Lammers tại Obersalzberg.[106][107] Bormann loan báo trên đài phát thanh về việc Göring từ chức là vì lý do sức khỏe.[108]

Vào ngày 26 tháng 4, với việc khu phức hợp tại Obersalzberg bị quân Đồng Minh tấn công, Göring đã chuyến đến lâu đài của ông ở Mauterndorf. Trong bản di chúc cuối cùng của mình, Hitler đã trục xuất Göring ra khỏi đảng và chính thức bãi bỏ nghị định khi xưa trong đó chỉ định Göring làm người kế nhiệm. Tiếp theo Hitler bổ nhiệm Karl Dönitz, tư lệnh Hải quân, làm tổng thống Đế chế và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Hitler cùng vợ là Eva Braun tự sát vào ngày 30 tháng 4 năm 1945, chỉ vài giờ sau khi một lễ cưới gấp gáp được cử hành. Göring được trả tự do vào ngày 5 tháng 5 nhờ một đơn vị Luftwaffe bay qua, và ông tiến đến chỗ quân Mỹ với mong muốn đầu hàng họ chứ không phải Liên Xô. Vào ngày mùng 6 ông bị tạm giam gần Radstadt bởi các đơn vị Sư đoàn Bộ binh số 36 của Lục quân Hoa Kỳ.[109] Rất có thể nước đi này đã cứu mạng Göring, Bormann đã ra lệnh tử hình ông một khi Berlin sụp đổ.[110]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hermann_Göring //nla.gov.au/anbd.aut-an35135939 http://www.historynet.com/lost-prison-interview-wi... http://www.theguardian.com/lifeandstyle/2010/feb/2... http://www.thehistorynet.com http://www.third-reich-books.com/x-567-hermann-goe... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... //www.getty.edu/vow/ULANFullDisplay?find=&role=&na... http://avalon.law.yale.edu/imt/03-13-46.asp#Goerin... http://avalon.law.yale.edu/imt/03-18-46.asp http://avalon.law.yale.edu/imt/judgoeri.asp